Trà đạo Nhật Bản
Trà đạo Nhật Bản
Trà đạo Nhật bản được biết đến là nghệ thuật thưởng thức trà trong văn hóa Nhật Bản, phát triển vào khoảng cuối thế kỷ XII. Trà đạo Nhật Bản không chỉ đơn giản là một con đường, một quy tắc uống trà, mà hơn hết, đó là một cách thức thanh lọc tâm hồn bằng cách hòa hợp tâm trí với thiên nhiên, rồi từ đây tâm trí, trau dồi tính cách để đạt được giác ngộ.
Hòa, Kính, Thanh, Tịch là bốn nguyên tắc cơ bản của Trà đạo Nhật Bản.
Trà du nhập vào Nhật Bản cùng với Thiền. Theo truyền thuyết của Nhật Bản, sau chuyến đi thảo luận về giáo dục tôn giáo ở Trung Quốc, nhà sư Nhật Bản Eisai đã mang về một ít hạt trà và trồng trong sân chùa. Ông ghi lại tất cả những gì liên quan đến sở thích uống trà qua cuốn "Kiệt trà dưỡng sinh ký" - Kissa Yojoki.
Văn hoá trà truyền thống của Nhật Bản có khoảng từ thế kỷ thứ 8, được xem là một trong ba nghệ thuật tinh tế cổ điển của Nhật Bản, cùng với việc thưởng thức hương trầm và cắm hoa kado. Khi nhà sư Eichu đích thân chuẩn bị Sencha - là một loại trà xanh được chế biến bằng cách hãm lá trà trong nước nóng, và dâng trà lên Hoàng đế Saga. Ấn tượng với đồ uống này, Hoàng đế đã ra lệnh trồng trà ở các đồn điền vùng Kinki ở phía tây Nhật Bản. Trà xanh được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo trong các tu viện và việc uống trà sớm trở nên gắn liền với các tầng lớp thượng lưu của xã hội Nhật Bản ở thế kỷ 12, nhưng phải đến thế kỷ 16 trà mới bắt đầu phổ biến rộng rãi đến mọi tầng của xã hội Nhật Bản.
Bên cạnh văn hoá trà truyền thống Nhật Bản thời đó được xem là xa xỉ của tầng lớp quý tộc, họ thích dùng dụng cụ pha trà của Trung Quốc và thưởng trà trong những trà thất sang trọng, thì các nhà sư như Murata Junko và Takeno Joo thưởng trà theo cách khiêm tốn và điềm đạm hơn. Họ tìm thấy vẻ đẹp giản dị tồn tại trong văn hóa uống trà, họ thưởng trà bên mái nhà tranh với cảnh bình minh hay hoàng hôn hiền hoà. Trà được tiến hành bằng nghi thức của nhà sư, coi trọng cuộc sống tinh thần, hoà nhập với thiên nhiên, họ chú trọng việc thực hành Trà đạo ở chính nơi bản thân, nơi lối sống, nơi cái tâm trong trẻo của mỗi người. Trà đạo được hình thành từ đó.
Sen no Rikyu được cho là nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử trà Nhật Bản, ông là người đã hệ thống hóa các tập tục và đặt ra tiêu chuẩn của Trà đạo. Ông xác định các nguyên tắc phải được kết hợp trong trà đạo: hài hòa, tôn trọng, thanh khiết và yên tĩnh.
Trà đạo cho thấy một nhiệm vụ đơn giản là chuẩn bị đồ uống cho khách, thế nhưng hình thức rất nghệ thuật, nó là một chuỗi các động tác phức tạp được thực hiện theo trình tự nghiêm ngặt và được khách nhận trà đánh giá cao.
Ngày nay Trà đạo được thực hành bởi một số trường khác nhau. Phần lớn nghiêng theo phong cách thương gia - được khởi nguồn bởi Sen no Rikyu và lưu truyền qua các thế hệ huyết thống của ông; hoặc phong cách chiến binh - được khởi nguồn bởi các học trò của Sen no Rikyu.
Bản thân các nghi lễ thực hànhh Trà, có muôn ngàn sự biến đổi, vì việc thực hiện nghi lễ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như mùa vụ, thời gian trong ngày, địa vị khách mời, kiểu không gian thưởng trà, các loại vật phẩm được sử dụng, ...
Trong hầu hết các trường hợp, trà đạo được chia thành hai nghi thức: Koicha và Usucha, trong đó nghi lễ Koicha trang trọng hơn.
Koicha là một loại trà đặc - 4gr bột trà được hoà vào khoảng 40ml nước. Trà được chuẩn bị trong một bát và khoảng từ 5 đến 7 khách khách dùng trà chung một cái bát trà. Khi nghi lễ Koicha bắt đầu thì người ta giảm âm thanh và ánh sáng đèn. Khách dành tâm trí để thưởng trà, từng ngụm nhỏ sánh mịn, mang vị ngọt thiên nhiên, vị chát đắng thanh thoát.....
Usucha là một nghi thức với Matcha nhẹ nhàng hơn, không sánh đặc như Koicha. Độ bọt mịn của chén trà được đánh giá như chất lượng của chén trà. Ở nghi thức này, khách không dùng chung bát trà, họ được mời theo từng chèn riêng. Âm thanh và ánh sáng và những dụng cụ đầy màu sắc hơn trong nghi lễ này.
Tổng hợp và chấp bút bởi Crocus Media