Gừng, các lợi ích và tác dụng phụ

Gừng, các lợi ích và tác dụng phụ

Theo Y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm. Nó được sử dụng để hỗ trợ tiêu hóa, giảm buồn nôn và chống cảm lạnh. Ngoài ra, tùy theo hình thức sử dụng, gừng có nhiều công dụng khác nhau. Đặc biệt, Gừng chứa nhiều gingerol, một chất có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ.

Gừng là một loài thực vật có hoa có nguồn gốc từ châu Á. Gừng thuộc họ Zingiberaceae và có quan hệ họ hàng gần với nghệ, riềng và bạch đậu khấu.

Phần thân rễ của gừng thường được gọi là củ gừng hay một từ đơn giản là gừng, là phần được sử dụng nhiều nhất. Gừng được sử dụng tươi hoặc khô ở dạng bột, hoặc dầu hoặc nước ép. Gừng không chỉ được dùng phổ biến trong các công thức nấu ăn, mà nó cũng được sử dụng nhiều trong ngành sản xuất mỹ phẩm.

Thành phần hóa học trong gừng chứa khoảng 2 - 3% tinh dầu với thành phần chủ yếu là các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic: b-zingiberen (35%), b-curcumenen (17%), b-farnesen (10%) và một lượng nhỏ các hợp chất alcol monoterpenic như: geraniol, linalol, borneol. Nhựa dầu chứa 20 - 25% tinh dầu và 20 - 30% các chất cay. Thành phần chủ yếu của nhóm chất cay là zingeron, shogaol và zingerol, trong đó gingerol chiếm tỉ lệ cao nhất. Ngoài ra, trong tinh dầu gừng còn chứa a-camphen, b-phelandren, eucalyptol và các gingerol.

Các lợi ích sức khỏe từ Gừng
Theo Y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm. Nó được sử dụng để hỗ trợ tiêu hóa, giảm buồn nôn và chống cảm lạnh. Ngoài ra, tùy theo hình thức sử dụng, gừng có nhiều công dụng khác nhau. Đặc biệt, Gừng chứa nhiều gingerol, một chất có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ.

Chống lại nhiễm trùng
Do giàu Gingerol nên gừng giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng. Chiết xuất gừng có thể ức chế sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn khác nhau.

Theo một nghiên cứu năm 2008, nó rất hiệu quả chống lại vi khuẩn miệng có liên quan đến viêm nướu và viêm nha chu. Đây đều là những bệnh viêm nướu răng.

Gừng tươi cũng có thể có hiệu quả chống lại vi rút hợp bào hô hấp (RSV viết tắt từ respiratory syncytial virus), một nguyên nhân phổ biến của nhiễm trùng đường hô hấp.

Điều trị chứng khó tiêu mãn tính
Chứng khó tiêu mãn tính là đặc tính của cơn đau tái phát và khó chịu ở phần trên của dạ dày.

Gừng đã được chứng minh là có tác dụng làm tăng tốc độ làm rỗng dạ dày, có thể có lợi cho những người bị chứng khó tiêu và khó chịu liên quan đến dạ dày.

Một nghiên cứu nhỏ năm 2011, những người bị chứng khó tiêu chức năng hay chứng khó tiêu mà không rõ nguyên nhân, đã được cho uống viên gừng hoặc giả dược. Sau đó một giờ, họ đều được cho ăn súp. Kết quả cho thấy: những người dùng gừng cần 12,3 phút để làm trống dạ dày và cần 16,1 phút ở những người dùng giả dược.

Một nghiên cứu khác năm 2008 của một số thành viên trong cùng nhóm nghiên cứu, 24 người khỏe mạnh được cho uống viên gừng hoặc giả dược. Tất cả họ đã được cho súp một giờ sau đó. Kết quả chứng minh rằng, tiêu thụ gừng trái ngược với giả dược giúp đẩy nhanh quá trình làm rỗng dạ dày một cách đáng kể. Mất 13,1 phút đối với người dùng gừng và 26,7 phút đối với người dùng giả dược.

Chấm dứt cảm giác buồn nôn
Gừng mang lại hiệu quả cao cho việc chống lại cảm giác buồn nôn.

Chỉ cần 1–1,5 gam gừng có thể giúp ngăn ngừa các loại buồn nôn khác nhau, bao gồm buồn nôn liên quan đến hóa trị, buồn nôn sau phẫu thuật, ốm nghén, say tàu xe.

Theo đánh giá của 12 nghiên cứu bao gồm tổng số 1.278 phụ nữ mang thai, 1,1–1,5 gam gừng có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng buồn nôn. Mặc dù gừng được coi là an toàn, nhưng nếu bạn mang thai, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng một lượng lớn.

Phụ nữ mang thai gần chuyển dạ hoặc bị sẩy thai nên tránh dùng gừng. Gừng được chống chỉ định với tiền sử chảy máu âm đạo và rối loạn đông máu.

Chữa bệnh viêm xương khớp
Viêm xương khớp (OA - Osteoarthritis) là một vấn đề sức khỏe phổ biến. Nó liên quan đến sự thoái hóa của các khớp trong cơ thể, dẫn đến các triệu chứng như đau khớp và cứng khớp.

Có một số nghiên cứu cho thấy gừng có tác dụng giảm các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp gối. Tài liệu đánh giá gừng đã cho thấy những người sử dụng gừng để điều trị viêm khớp của họ đã giảm đáng kể tình trạng đau và tàn tật.

Một nghiên cứu khác từ năm 2011 cho thấy sự kết hợp của gừng, mastic, quế và dầu mè bôi tại chỗ có thể giúp giảm đau và cứng khớp ở những người bị viêm khớp gối.

Giảm cơn đau kinh nguyệt
Một trong những công dụng truyền thống của gừng là giảm đau, bao gồm cả đau bụng kinh.

Đau bụng kinh là cảm giác đau trong chu kỳ kinh nguyệt. Gừng dường như rất hiệu quả trong việc giảm đau bụng kinh khi dùng vào đầu kỳ kinh.

Trong một nghiên cứu năm 2009, 150 phụ nữ được hướng dẫn dùng gừng hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID- nonsteroidal anti-inflammatory drug) trong 3 ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt. Kết quả cho thấy, gừng có tác dụng giảm đau hiệu quả như hai viên NSAIDs.

Nhiều nghiên cứu gần đây cũng kết luận rằng gừng hiệu quả hơn giả dược và hiệu quả tương đương với các loại thuốc như axit mefenamic và acetaminophen / caffeine / ibuprofen (Novafen).

Mặc dù những phát hiện này đầy hứa hẹn, nhưng vẫn cần các nghiên cứu chất lượng cao hơn với số lượng người tham gia nghiên cứu lớn hơn.

Giảm cân
Gừng đóng một vai trò trong việc giảm cân. Theo các nghiên cứu trên động vật và con người, gừng giúp cải thiện các số đo liên quan đến cân nặng, bao gồm trọng lượng cơ thể, tỷ lệ eo và hông.

Khả năng ảnh hưởng đến việc giảm cân của gừng có thể liên quan đến một số cơ chế nhất định, chẳng hạn như khả năng giúp tăng số lượng calo bị đốt cháy hoặc giảm viêm.

Một đánh giá tài liệu năm 2019 kết luận rằng việc bổ sung gừng làm giảm đáng kể trọng lượng cơ thể, tỷ lệ eo và tỷ lệ hông ở những người thừa cân hoặc béo phì.

Một nghiên cứu năm 2016 trên 80 phụ nữ bị béo phì cho thấy gừng giúp giảm chỉ số khối cơ thể (BMI - body mass index) và mức insulin trong máu. Mức insulin trong máu cao có liên quan đến bệnh béo phì.

Những người tham gia nghiên cứu nhận được liều tương đối cao hàng ngày - 2 gam - bột gừng trong 12 tuần.

Làm giảm lượng đường trong máu
Cải thiện các yếu tố có thể gây bệnh tim
Lĩnh vực nghiên cứu này tuy còn mới, nhưng gừng đã được chứng minh rằng nó có đặc tính chống bệnh tiểu đường mạnh mẽ.

Gừng làm giảm lượng đường trong máu và cải thiện các yếu tố có thể gây bệnh tim ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Trong một nghiên cứu năm 2015 với 41 người tham gia mắc bệnh tiểu đường loại 2, kết quả cho thấy 2 gam bột gừng mỗi ngày làm giảm 12% lượng đường trong máu lúc đói. Nó cũng cải thiện đáng kể hemoglobin A1c (HbA1c), một dấu hiệu cho mức đường huyết dài hạn. HbA1c đã giảm 10% trong thời gian 12 tuần. Cũng có sự giảm 28% tỷ lệ Apolipoprotein B / Apolipoprotein A-I và giảm 23% malondialdehyde (MDA), một sản phẩm phụ của stress oxy hóa. Tỷ lệ ApoB / ApoA-I cao và mức MDA cao đều là những yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim. Tuy nhiên, đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ. Kết quả thu được vô cùng ấn tượng, nhưng chúng cần được xác nhận trong các nghiên cứu lớn hơn trước khi đưa ra bất kỳ khuyến nghị nào.

Giảm mức cholesterol
Mức cholesterol LDL (có hại) cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Thực phẩm bạn ăn có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mức LDL.

Có một số bằng chứng, ở cả người và động vật, cho thấy gừng có thể làm giảm đáng kể mức cholesterol LDL (có hại), cholesterol toàn phần và chất béo trung tính trong máu.

Trong một nghiên cứu năm 2018 trên 60 người bị tăng lipid máu, 30 người nhận 5 gam bột gừng mỗi ngày đã thấy mức cholesterol LDL (có hại) của họ giảm 17,4% trong khoảng thời gian 3 tháng. Mặc dù sự sụt giảm LDL là rất ấn tượng, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là những người tham gia nghiên cứu đã nhận được liều lượng gừng rất cao.

Trong một nghiên cứu cũ hơn từ năm 2008, những người nhận 3 gam bột gừng (ở dạng viên nang) mỗi ngày cũng giảm đáng kể hầu hết các chỉ số cholesterol. Mức cholesterol LDL (xấu) của họ giảm 10% trong 45 ngày.

Những phát hiện được hỗ trợ bởi một nghiên cứu trên chuột bị suy giáp hoặc tiểu đường. Chiết xuất gừng làm giảm cholesterol LDL (có hại) ở mức độ tương tự như thuốc hạ cholesterol atorvastatin.

Các đối tượng nghiên cứu từ cả 3 nghiên cứu cũng bị giảm tổng lượng cholesterol. Những người tham gia nghiên cứu năm 2008, cũng như những con chuột thí nghiệm, cũng thấy lượng chất béo trung tính trong máu của chúng giảm.

Cải thiện chức năng não
Bảo vệ chống lại bệnh Alzheimer
Căng thẳng oxy hóa và viêm mãn tính có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa, nó được cho là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh Alzheimer và suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác.

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy gừng có thể bảo vệ chống lại các tổn thương não do tuổi tác. Nó cũng có thể giúp cải thiện chức năng não ở phụ nữ trung niên.

Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng các chất chống oxy hóa và các hợp chất hoạt tính sinh học trong gừng có thể ức chế các phản ứng viêm xảy ra trong não.

Ngoài ra còn có một số bằng chứng cho thấy gừng có thể giúp tăng cường chức năng não trực tiếp. Trong một nghiên cứu năm 2012 về phụ nữ trung niên khỏe mạnh, liều lượng chiết xuất gừng hàng ngày đã được chứng minh là cải thiện thời gian phản ứng và trí nhớ làm việc.

Ngăn ngừa ung thư
Gừng có chứa chất gingerol, có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh ung thư. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn nữa.

Gừng đã được nghiên cứu như một phương thuốc thay thế cho một số dạng ung thư. Các đặc tính chống ung thư là do gingerol, được tìm thấy với một lượng lớn trong gừng sống.

Một nghiên cứu kéo dài 28 ngày trên những cá nhân có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng bình thường, cho thấy 2 gam chiết xuất gừng mỗi ngày làm giảm đáng kể các phân tử truyền tín hiệu gây viêm trong ruột kết. Kết quả này không được tìm thấy ở những người có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng cao.

Có một số bằng chứng, mặc dù còn hạn chế, cho thấy gừng có thể có hiệu quả chống lại các bệnh ung thư đường tiêu hóa khác như ung thư tuyến tụy và ung thư gan.

Nó cũng có hiệu quả chống lại ung thư vú và ung thư buồng trứng. Nhưng nhìn chung, cần phải nghiên cứu thêm.

Gừng chứa nhiều chất dinh dưỡng và các hợp chất hoạt tính sinh học có lợi cho cơ thể và não bộ của bạn. Vì vậy, hãy thêm gừng vào chế độ ăn uống của bạn để nhận được những lợi ích sức khỏe từ nó. Bạn nên thử thêm gừng vào công thức nấu ăn của mình dưới dạng thức ăn hoặc đồ uống.

Các rủi ro và phản ứng phụ từ gừng
Chúng ta cần biết rằng, mọi sự điều độ là tốt nhất. Bất cứ thứ gì, dẫu có tốt như thế nào đi nữa, nếu bạn lạm dụng, nó sẽ sinh rủi ro hoặc phản ứng phụ.

Phản ứng phụ: với liều lượng nhỏ, gừng có ít tác dụng phụ. Liều cao gừng - hơn 5 gam mỗi ngày - làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ.

- Gừng trên da có thể gây phát ban.
- Ăn hoặc uống gừng có thể gây ra: đầy hơi, ợ nóng, bụng khó chịu, kích ứng miệng.

Rủi ro: gừng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Nếu bạn bị rối loạn chảy máu, gừng không an toàn cho bạn. Hãy lưu ý với bác sĩ của bạn về các loại thuốc thảo dược bạn dùng, bao gồm cả gừng.

Tương tác: nếu bạn dùng bất kỳ loại thuốc nào thường xuyên, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi bạn bắt đầu sử dụng chất bổ sung gừng. Họ có thể tương tác với thuốc làm loãng máu và thuốc điều trị bệnh tiểu đường và huyết áp cao.

Tổng hợp và chấp bút bởi Crocus Media

Bài viết liên quan

Các công dụng làm đẹp từ Gừng

Các công dụng làm đẹp từ Gừng

Gừng chứa các chất dinh dưỡng và các hợp chất hoạt tính sinh học có tác động tích cực đến sức khỏe của da và tóc. Trong dân gian, trong y học cổ truyền, từ lâu gừng được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc thay thế, cũng như một loại gia vị. Gừng được gắn mác “siêu thực phẩm” nhờ vào hàng loạt lợi ích sức khỏe của nó.

https://www.crocusmedia.vn